Lấy kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật làm đầu vào cho dự án khởi nghiệp là điều mà các trường đại học đang thực hiện. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với định hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST).
Lễ trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai lần thứ nhất năm 2019
Thuận lợi của học sinh, sinh viên (HS-SV) là được tiếp cận, làm quen với nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật từ sớm, đồng thời có nhiều ý tưởng mới lạ, hấp dẫn.
* Lấy kết quả nghiên cứu khoa học làm đầu vào khởi nghiệp
Khi còn là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Lạc Hồng, anh Phan Thiện Phước (hiện là Phó giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ ThoMi, TP.Biên Hòa) đã tham gia nhiều cuộc thi và giành được giải thưởng. Sau đó, anh được nhà trường hỗ trợ 400 triệu đồng (không lãi suất) để khởi nghiệp. “Đây là khoản đầu tư vô cùng có ý nghĩa vì các doanh nghiệp (DN) start-up thường gọi vốn rất khó khăn, chưa kể chúng tôi còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm. Với số tiền này, tôi và cộng sự đã thành lập công ty và khởi nghiệp” - anh Phước kể.
Hiện nay, công ty của anh Phước đang cung cấp các giải pháp công nghệ như: công nghệ Blockchain (truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng); hệ thống IoT (trang trại thông minh, nhà thông minh, một số ứng dụng trong lĩnh vực y tế); viết phần mềm theo yêu cầu…
Thành lập DN từ năm 2017 chỉ với 4 nhân sự, đến nay DN của anh Phước đã có 15 nhân sự. Trong 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng DN của anh vẫn duy trì hoạt động và đang có chiều hướng phát triển.
Tôi nghĩ rằng, DN của mình vẫn chưa phải là thành công và phía trước sẽ còn nhiều thử thách nhưng khởi đầu như vậy đã là điều đáng mừng. Ngoài sự hỗ trợ rất lớn từ phía nhà trường thì việc tham gia các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh đã giúp cho chúng tôi có nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quý báu để khởi nghiệp” - anh Phước bày tỏ.
Có thể nói, anh Phước là trường hợp khá hiếm hoi khi thành lập DN start-up với khởi đầu là những đề tài nghiên cứu khoa học. Nhưng đồng thời, đây cũng là trường hợp tiêu biểu cho hướng đi đúng trong KNĐMST. Đó là phải lấy khoa học - công nghệ (KH-CN), ý tưởng sáng tạo làm tiền đề để xây dựng dự án khởi nghiệp. Khi có đầy đủ những yếu tố này cộng với việc được đào tạo bài bản về khởi nghiệp, được hỗ trợ nguồn vốn thì chủ dự án mới yên tâm để khởi nghiệp.
Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho rằng: “Thuận lợi của HS-SV là được tiếp cận, làm quen với nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật từ sớm, đồng thời có nhiều ý tưởng mới lạ, hấp dẫn. Đây là thuận lợi để thúc đẩy KNĐMST trong HS-SV. Cùng với việc đổi mới giáo dục, ngày nay học sinh được tiếp cận với các kiến thức KH-CN từ rất sớm. Nghĩa là từ khi còn trẻ đã được ươm mầm ý thức về KH-CN và có thể hình thành ý tưởng sáng tạo KH-CN. Hằng năm, ngành GD-ĐT, Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh đã có cuộc thi cho học sinh sáng tạo khoa học, kỹ thuật. Tuy vậy, những sáng tạo mới dừng lại ở nghiên cứu. Chúng ta có thể giúp các em nuôi dưỡng ý tưởng, phát triển lên để khi các em muốn khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ”.
Cũng theo Giám đốc Sở KH-CN, nhà trường cần phải chủ động hơn nữa trong việc thúc đẩy hoạt động KNĐMST ở tất cả các khâu: định hướng; xây dựng cơ chế, chính sách riêng phù hợp với thực tế của đơn vị; đồng thời, phải bồi dưỡng thêm kiến thức cho nhân sự phụ trách hoạt động KNĐMST.
* Xây dựng các “vườn ươm” khởi nghiệp
Không chỉ có thế mạnh về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường đại học Lạc Hồng hiện là đơn vị dẫn đầu về hoạt động KNĐMST trong sinh viên. Từ năm 2016, Trường đại học Lạc Hồng đã thành lập CLB Khởi nghiệp (LHU-STC) với 8 thành viên là giảng viên nhà trường. CLB có trách nhiệm tổ chức và điều hành các nội dung đào tạo kiến thức khởi nghiệp, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp cùng sinh viên, tổ chức các buổi giao lưu với DN khởi nghiệp.
Đến tháng 8-2018, nhà trường tiếp tục thành lập bộ phận KNĐMST nhằm kết nối các nguồn lực để vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường. Trường đại học Lạc Hồng cũng đã đầu tư Khu không gian làm việc chung (Co-working space) nhằm ươm tạo các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Theo đó, mỗi năm “vườn ươm” sẽ ươm tạo cho 3 dự án và mục tiêu là có 1 dự án trở thành DN khởi nghiệp.
Anh Phan Thiện Phước (bìa trái) cùng với các tác giả đoạt giải trong cuộc thi VietNam IoT Hackathon năm 2017. Từ thành công của cuộc thi này, anh và các cộng sự đã phát triển thành dự án khởi nghiệp
Theo TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trưởng bộ phận KNĐMST Trường đại học Lạc Hồng, toàn bộ thời gian ươm tạo dự án khởi nghiệp tại Co-working Space tập trung xây dựng mô hình kinh doanh, test thị trường, xây dựng ít nhất 2 sản phẩm có thể dùng được (MVP), đăng ký sáng chế, sở hữu trí tuệ, thành lập DN và đăng ký kinh doanh. Theo đó, các đội dự án khởi nghiệp có 6 tháng để xây dựng mô hình kinh doanh, test thị trường, xây dựng ít nhất 2 MVP. Và 3 tháng để đăng ký sáng chế, sở hữu trí tuệ, thành lập DN và đăng ký kinh doanh.
Trường đại học Lạc Hồng còn có trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng nhằm kết nối, đưa những ý tưởng, các giải pháp tốt, khả thi từ hoạt động nghiên cứu khoa học để chuyển giao, mang đến giá trị thương mại. Đồng thời, lan tỏa, hun đúc tinh thần KNĐMST trong giảng viên, sinh viên và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định đẩy mạnh hoạt động KNĐMST trong sinh viên, giảng viên, tháng 6-2021, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai thành lập Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (trực thuộc Viện Nghiên cứu và ứng dụng KH-CN). Theo đó, trung tâm có các mảng hoạt động như: trưng bày sản phẩm; tư vấn, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu để làm ra sản phẩm. Trung tâm cũng tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, seminar, các chương trình đào tạo để cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Đồng thời, kết nối DN để hỗ trợ triển khai dự án khởi nghiệp của sinh viên cho đến khi hình thành DN khởi nghiệp.
Ngoài ra, trung tâm cũng tạo sân chơi khởi nghiệp cho sinh viên thông qua cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp. Cuộc thi lần đầu tiên sẽ tổ chức từ ngày 1-12-2021 đến cuối tháng 3-2022. Trên cơ sở đó, nhà trường lựa chọn những ý tưởng xuất sắc để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp bộ…
Trước đó, trung tâm cũng đã tư vấn, hỗ trợ cho 3 dự án khởi nghiệp của sinh viên để tham gia cuộc thi HS-SV với ý tưởng khởi nghiệp (SV start-up).
“Chúng tôi không dám kỳ vọng sẽ thành công 100%, nhưng sẽ tạo môi trường cho các em trải nghiệm tất cả các “khâu” của quá trình khởi nghiệp” - ThS Trần Thị Hà, Giám đốc trung tâm cho hay.
Ngoài 2 trường đại học đã có “vườn ươm” khởi nghiệp nêu trên, các trường đại học trên địa bàn tỉnh cũng đang dần thúc đẩy hoạt động KNĐMST và thành lập các “vườn ươm” tại trường.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết hoạt động khoa học sinh viên năm 2020-2021, phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai cũng đã xác định một số nội dung nhằm đẩy mạnh KNĐMST. Theo đó, trường sẽ tổ chức lớp bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, KNĐMST; thành lập các CLB KNĐMST ở cấp khoa, cấp trường; tạo khu vườm ươm KNĐMST để sinh viên có không gian giao lưu, kết nối; xây dựng mạng lưới DN hỗ trợ công tác KNĐMS, thành lập các nhóm huấn luyện viên, cố vấn KNĐMST bao gồm cả giảng viên và quản lý các DN, tổ chức…
Hải Yến
XEM THÊM
Thương hiệu Cohafood Biên Hòa Đồng Nai